CÁC KÍCH THƯỚC QUAN TRỌNG CẦN LƯU Ý KHI THIẾT KẾ NHÀ

Theo trào lưu “Yêu bếp – Nghiện nhà” hiện nay, chỉ cần 1 chút khiếu thẩm mỹ, bạn đều có thể tự tay chọn lựa, trang trí ngôi nhà theo sở thích và thói quen sinh hoạt của gia đình mình. Tuy nhiên, để thiết kế 1 ngôi nhà đúng chuẩn kiến trúc sư, hoặc để tự mình giám sát đội thầu thi công, bạn cần nắm vững rất nhiều kiến thức chuyên sâu về Nhân trắc học để thiết kế phù hợp với mục đích và công năng sử dụng, tránh phải đập đi xây lại rất tốn kém vừa mất nhiều thời gian, công sức.

Trong bài viết này, Luc Nguyen Decor tổng hợp và chia sẻ đến bạn 1 số kiến thức nhân trắc học thông dụng nhất trong thiết kế nhà ở, đủ giúp bạn dễ dàng nắm chắc và áp dụng cho ngôi nhà thân yêu của mình.

Trước hết, cần hiểu “Nhân trắc học” là môn khoa học nghiên cứu về mối tương quan giữa kích thước cơ thể người, các hoạt động của con người với các trang thiết bị nội thất xung quanh, từ đó tìm ra quy luật các kích thước chuẩn trong thiết kế đồ vật, nhằm tạo ra sự thoải mái, phù hợp nhất khi sử dụng.

  1. Tiêu chuẩn thiết kế bếp

Trong thiết kế bếp, kích thước đóng vai trò quan trọng hàng đầu, bởi đây là nơi được sử dụng nhiều nhất. Trong quá trình sử dụng, nếu kích thước không phù hợp sẽ gây ra các cơn đau nhức, khó chịu cho người dùng. Ví dụ, bếp quá thấp sẽ khiến bạn thường xuyên phải khom lưng, hoặc không có chỗ lùi mũi chân, bồn rửa quá xa sẽ khiến bạn bị với, thao tác lâu ngày chắc chắn cột sống của bạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

1 số kích thước tiêu chuẩn cho bếp bao gồm:

Chiều cao bếp: tuỳ thuộc vào chiều cao của gia chủ, bếp sẽ giao động từ 800 – 900mm.

  • Với người Việt, gia chủ cao từ 1m6 – 1m8, mặt bếp thao tác sẽ cao khoảng 850 – 860mm.
  • Với người Âu Mỹ, gia chủ cao từ 1m8 – 2m, mặt bếp sẽ phải cao đến 900 – 910mm để đảm bảo thao tác.

Chiều cao từ mặt bếp đến đáy tủ bếp trên:

  • Đối với các thiết kế hiện đại, thông thường sẽ cao khoảng 600 – 700mm
  • Với các thiết kế bếp style classic, kích thước chỉ cao tầm 400mm.

Chiều sâu mặt bếp thao tác: 600mm là vừa đủ để không bị với.

1 chi tiết nhỏ nhưng vô cùng quan trọng, đó là khoảng lùi chân bếp. khoảng lùi này sẽ giúp bạn đứng áp sát bếp, không bị vướng mũi chân, giúp tư thế đứng của bạn được thẳng thay vì phải cúi khom người.

Kích thước tủ bếp trên: chiều sâu tủ bếp trên từ 350 – 400mm, chiều cao không giới hạn, bạn có thể làm nhiều ngăn cao đụng trần (thường trần 2m7) để tiết kiệm diện tích, hoặc cao 700 – 800mm là vừa đủ 2 tầng sử dụng, để tiết kiệm chi phí.

Lưu ý tầm với con người tối đa chỉ từ 2000 – 2200mm, nên các ngăn tủ nên nằm trong giới hạn này, cao hơn sẽ phải dùng ghế nên chỉ trữ những vật dụng ít dùng tới.

Mẫu thiết kế bếp hiện đại với tủ bếp trên treo cao

  1. Tiêu chuẩn thiết kế bàn ghế

Thông thường bàn ghế bạn mua sẵn nên cũng không cần quan tâm nhiều đến kích thước, vì nhà sản xuất cũng dựa trên quy cách chuẩn của bàn ghế, tuy nhiên bạn cũng cần nắm sơ qua các kích thước tiêu chuẩn nếu như yêu cầu đóng mới:

Ghế ăn: cao 450mm

Ghế Bar cao 700 – 750mm, lưu ý mặt bàn thường sẽ cao hơn mặt ghế 300mm.

Bàn ăn 4 người: ngang 1200mm rộng 900mm cao 750mm

Bàn ăn 6 người: ngang 1800mm rộng 900mm cao 750mm

Cứ tính bình quân chiều rộng của 1 người ngồi là 600mm, tuỳ vào số lượng thành viên trong gia đình để bạn lựa chọn chiếc bàn ăn phù hợp.

3. Tiêu chuẩn thiết kế tủ áo

Tủ áo thông thường sẽ được đo ni đóng giày cho phù hợp với từng căn phòng, nên việc nắm rõ kích thước sẽ giúp bạn có ngay 1 Walk-in-closet mini trong phòng, tích trữ được tối đa quần áo nếu biết cách tận dụng kích thước thật chuẩn như sau:

Đầu tiên cần phân loại từng khu vực để đồ như:

  • Khu để đồ nữ, đồ nam, đồ trẻ em.
  • Ngăn treo áo sơ mi (sơ mi trắng / màu, áo vest, áo kiểu…)
  • Ngăn treo đầm ngắn
  • Ngăn treo đầm dài
  • Ngăn để đồ xếp
  • Ngăn treo quần
  • Ngăn để chăn ga, vali, đồ ít dùng
  • Ngăn để phụ kiện (cà vạt, đồng hồ, trang sức, mắt kính…)
  • Ngăn để đồ lót

Dựa trên số lượng từng loại quần áo mà bạn có, bạn sẽ dễ dàng phân chia diện tích cho từng khu. (Ảnh ST)

Tra kích thước của từng loại trang phục để ấn định độ rộng mỗi ngăn sao cho vừa khít, tiết kiệm tối đa không gian. (Ảnh ST)

Sắp xếp các loại trang phục và phân bổ kích thước từng loại hợp lý, bạn sẽ chứa được gấp 2 lần so với tủ áo đóng sẵn đơn điệu ngoài thị trường (Ảnh ST)

Tận dụng các phụ kiện, chia nhỏ ngăn để đựng các đồ vật quan trọng, thậm chí bạn còn có thể làm 1 tủ giày ngay trong tủ áo (Ảnh ST)

Mẫu thiết kế tủ áo thanh lịch, sang trọng với rất nhiều ngăn hợp lý (Ảnh ST)

4. Tiêu chuẩn thiết kế cầu thang:

Nhiều gia chủ chỉ đến khi nhà thầu xây lên mới thấy cái thang nhà mình kỳ kỳ, mà không biết kỳ ở đâu, và khi đưa vào sử dụng thì càng khóc dở khi bậc thang quá cao, không có chiếu nghỉ, nên việc lên xuống cầu thang rất mệt mỏi, nhất là với người lớn tuổi và trẻ nhỏ.

Do đó, gia chủ cần nắm rõ quy cách thiết kế bậc thang như sau:

Chiều sâu mặt bậc thang trong nhà ở tối thiểu là 250mm (vừa đủ chiều rộng 1 bàn chân) và tối đa là 300mm. Nếu chiều rộng quá lớn sẽ ảnh hưởng đến chiều dài và độ dốc của thang. 

Độ dốc thang lý tưởng là 33 đến 36 độ.

Chiều rộng thang để 1 luồng di chuyển thoải mái là 600m, do đó chiều rộng vế thang trong nhà ở sẽ từ 900mm – 1200mm, đủ cho 2 luồng di chuyển hoặc 1 người lách được.

Chiều cao 1 bậc thang từ 150mm – 180mm, bậc càng thấp thì bước sẽ càng đỡ mệt nhưng không được thấp hơn 150mm và cũng không được cao hơn 180mm.

Độ cao tay vịn: an toàn là 1100mm, hoặc tối thiểu là 900mm.

Chiếu nghỉ:

Chiếu nghỉ được thiết kế để tránh mất sức khi di chuyển, thông thường cứ 11 bậc thang sẽ bố trí 1 chiếu nghỉ với chiều rộng 900x900mm. Hiện nay các thiết kế nhà hiện đại thường bỏ qua chiếu nghỉ này mà làm cầu thang dài 1 mạch lên tầng trên để thẩm mỹ hơn, nếu số bậc không quá 20 bậc thì ta có thể cân nhắc không cần chiếu nghỉ.

Số bậc:

Theo Phong Thuỷ, số bậc thang phải tính theo quy tắc “Sinh – Lão – Bệnh – Tử”, để tránh số bậc rơi vào cung xấu, công thức tính số bậc để luôn rơi vào cung “Sinh” là 4n+1.

Các mẫu cầu thang xử lý tốt gầm thang, nơi rất dễ trở thành góc chết trong nhà. (Ảnh ST)

5.Tiêu chuẩn thiết kế vệ sinh:

Các thiết bị trong vệ sinh cũng cần lắp đặt đúng nhân trắc, để việc sử dụng được thuận tiện nhất

– Chiều ngang cho 1 người thao tác của 1 bồn rửa là 900mm, nếu 2 lavarbo bạn sẽ cần làm 1800mm.

– chiều sâu mặt đá bồn rửa là 600mm, nếu diện tích hẹp có thể làm nhỏ hơn và chọn loại bồn rửa nổi ra khỏi mặt đá.

– chiều ngang thao tác cho bồn cầu là 900mm, tắm đứng từ 900 – 1100mm.

– 1 phòng vệ sinh kích thước chuẩn là dài 2700mm x rộng 1500mm x cao 2600. Lưu ý, do diện tích nhỏ, nên nếu trần cao, bạn nên đóng trần thấp xuống từ 2400mm – 2600mm để tỉ lệ không gian vừa đẹp, không bị hẹp cao, ánh sáng đèn cũng tiết kiệm hơn.

– nếu thiết kế nhà vệ sinh dưới gầm thang, bạn cần lưu ý chiều cao tối thiểu là 1800mm – 2000mm cho bậc thấp nhất (phần này thường đặt bồn cầu ngồi) để đảm bảo không bị quá thấp.

Bài viết được tổng hợp và biên soạn bởi Luc Nguyen Decor, mọi sự sao chép trích dẫn vui lòng ghi rõ nguồn.

—————————————————-

Trên đây chỉ là 1 phần rất nhỏ trong số những kiến thức về thiết kế mà bạn cần nắm vững để cho ra ngôi nhà hoàn hảo. Đối với hầu hết gia chủ không phải chuyên ngành, những kiến thức trên có thể là quá nhiều để bạn có thể nắm hết được. Do đó, hãy để các chuyên gia của Luc Nguyen Decor giúp bạn có được căn nhà như ý mà không phải lo lắng về chất lượng cũng như giá cả.

Luc Nguyen Decor chuyên thiết kế, thi công nhà hàng, café, tiệm bánh, văn phòng, shop, nhà ở.

Hân hạnh mang đến cho bạn những giá trị vô hình: sự tối ưu hoá hiệu quả kinh doanh, nhờ sự am hiểu sâu về vận hành trong thiết kế và nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công.

Chính sách bảo hành uy tín, nhanh chóng.

Giá cả rất cạnh tranh với chất lượng cao.

Bạn cần thiết kế, thi công nhanh chóng, chất lượng với giá cả phải chăng? Liên hệ ngay với chúng tôi để đặt lịch tư vấn cùng đội ngũ chuyên gia thiết kế, được khảo sát, tư vấn miễn phí tại nhà nhé!